Dân gian có câu “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì; Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. Câu ca dao trên ca ngợi các món ẩm thực vô cùng đặc sắc trong đó có Tương bần – Hưng Yên.

Tương Bần được làm ở thôn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 25 km. Đây là làng nghề làm tương nổi tiếng đã có từ lâu đời. Nếu du khách có dịp đi qua thị trấn bần sẽ dễ dàng bắt gắp cảnh tấp nấp tại những cửa hàng bán tương Bần truyền thống.

Để có bí quyết làm tương ngon thì công tác chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật pha chế cùng công tác ủ là rất quan trọng. Theo nghệ nhân ở làng Bần truyền lại thì nguyên liệu làm tương gồm có gạo nếp, muối và đỗ tương. Người ta dùng gạo nếp nấu thành cơm chín đều sao cho không bị nhão, để ráo rồi phơi ra nia, đảo đi đảo lại đều tay trong thời gian là 5 ngày. Đỗ tương rang, ngâm rồi cho vào bể ủ cùng gạo nếp đã chế biến như ở trên trong 7 ngày sao cho lên mốc vừa là được. Sau đó cho đỗ tương, gạo nếp, muối vào chum, ủ khoảng 2 tháng là ăn được. Đặc biệt ở chỗ tương ủ càng lâu càng ngon, sự hòa quyện của gạo nếp và đỗ tương tạo cho tương có màu vàng sánh thơm ngon vị ngọt, vị ngậy đặc trưng. Tương ủ khoảng 2 năm là tương ngon nhất.
Tương có thể dùng với các món ăn như: rau mống luộc chấm tương, cà dầm tương,cá kho, dê nướng, dê tái chín…Những ai đã từng thưởng thức thứ gia vị này thì khó mà quên được sự lôi cuốn, hấp dẫn mà nó mang lại, đúng như câu ca dao:“Anh đi anh nhớ quê nhà; Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.